Theo một số tài liệu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng: Tổng hợp các cách phân loại thì dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) được sản xuất và đưa vào phục vụ trong khuôn khổ mỗi cơ sở thể thao (CSTT) có thể gồm 8 hạng mục:

(1)  Khu vực dành cho thuê để tổ chức thi đấu và luyện tập thể thao: trang thiết bị thể thao; sân bóng đá, sân quần vợt, bể bơi, nhà tập thể thao, nhà tập thể hình...

(2)  Khu dịch vụ đáp ứng việc luyện tập thể dục và các môn thể thao cho: cá nhân, nhóm và các tổ chức tập thể; khu luyện tập thể thao dành cho người lớn, người già, khu tập huấn trọng tài...

(3)  Khu dịch vụ thể thao giải trí: giải bóng đá, giải quần vợt, biểu diễn và thi đấu, trò chơi giải trí và chơi một số môn thể thao; khai mạc và bế mạc các kỳ đại hội thể thao, lễ hội thể thao.

(4)  Dịch vụ GDTC: thực tập sư phạm, chuyên môn và tổ chức của sinh viên TDTT; thực tập chuyên môn của các chuyên gia thể thao; các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn; bảo tàng thể thao.

(5)  Dịch vụ y học thể thao: đáp ứng nhu cầu về sức khoẻ cho các trận thi đấu thể thao; bác sỹ trên sân; thăm, khám, chữa bệnh và nghiên cứu y học phục vụ cho VĐV.

(6)  Dịch vụ vật chất TDTT: bán hàng hóa thể thao, quần áo, giầy, trang thiết bị thể thao; dịch vụ ăn uống cho VĐV, đội tuyển, chuyên gia và HLV.

(7)  Giải trí văn hóa (các buổi ca nhạc, lễ hội).

(8)  Dịch vụ đi kèm (dịch vụ bảo hiểm cho VĐV, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ quảng cáo).

Hoặc cũng có thể phân thành 6 hạng mục sau:

(1)  Thực hiện các lớp rèn luyện TDTT:

Các lớp học cho các nhóm đào tạo thể chất nói chung và tăng cường sức khỏe nói riêng; Phát triển các buổi tập luyện riêng biệt cho cá nhân (nhóm).

Tổ chức các sự kiện cho các nhóm học sinh, các đội, trường học và các CLB thể thao; Thực hiện các hoạt động giải trí khác nhau.

(2)  Hoạt động thể thao và các sự kiện giải trí:

Thể thao và hoạt động giải trí cho người tham gia giải đấu, chặng đua, trò chơi thể thao; Sự kiện thể thao; Thể thao và giải trí, buổi hòa nhạc; Các cuộc giao lưu với các VĐV xuất sắc; VĐV hàng đầu và đại diện của các tổ chức thể thao.

(3)  Tổ chức và tiến hành quá trình huấn luyện:

Giáo dục sự hình thành các kỹ năng và kiến thức liên quan đến chuyên ngành thể thao mà người tiêu dùng lựa chọn; Huấn luyện và cải thiện kỹ năng vận động; Tư vấn về xây dựng và duy trì quá trình huấn luyện.

(4)  Cung cấp thiết bị và phòng tập TDTT:

Sử dụng phòng tập thể dục, CSVC, thiết bị để thực hiện các hoạt động có liên quan (các bài tập sức khỏe và phòng tập TDTT) cho các loại hình dịch vụ lựa chọn và cạnh tranh; Cho thuê các phương tiện giải trí; Cho thuê các thiết bị tập luyện (máy tập, thiết bị, máy móc, dụng cụ); Cung cấp chuyên gia có trình độ để huấn luyện đội tuyển, hướng dẫn hồi phục và tăng cường sức khỏe, cũng như các hoạt động vui chơi giải trí.

(5)  Truyền thông và dịch vụ tư vấn, giáo dục:

Cung cấp thông tin tổng quát (thông qua website, phương tiện truyền thông, quảng cáo) về cấu trúc và nội dung của dịch vụ, cơ sở pháp lý và giấy chứng nhận trong ngành; Tư vấn của các chuyên gia cho người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ sắp triển khai; Tư vấn của các chuyên gia (bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng) cho người tiêu dùng trong lĩnh vực dinh dưỡng: chế độ ăn uống khoa học, bổ sung dinh dưỡng và vitamin; Tư vấn của các chuyên gia cho người tiêu dùng để tiến hành các biện pháp y tế và phục hồi chức năng, kiểm tra các VĐV.

Đề xuất với người tiêu dùng về chương trình tập luyện, cũng như các quy tắc chung cho việc sử dụng dịch vụ của họ; Đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện trong TDTT.

(6)  Các dịch vụ khác:

Tổ chức sửa chữa và hướng dẫn sử dụng các thiết bị thể thao, dụng cụ, vật tư; Tổ chức sửa chữa quần áo và giày dép thể thao; Cho thuê thiết bị thể thao; Cung cấp các bãi đỗ xe cho người tiêu dùng; Tiếp nhận và lưu trữ đồ dùng của người tiêu dùng; Gọi các dịch vụ theo yêu cầu của người tiêu dùng (taxi, đặt vé...).

Nhận xét: Phân tích trọn gói các dịch vụ TDTT cho thấy, dịch vụ văn hóa xã hội chiếm ưu thế, tuy nhiên có chỗ cho loại hình dịch vụ vật chất. Thứ hai, tuỳ thuộc vào các điều kiện của công trình TDTT có thể sản xuất các loại hình dịch vụ cơ bản, dịch vụ phụ thêm và dịch vụ đi kèm.

Đặng Đức Hoàn

Nhóm NCM-Trung tâm GDTC&TT

Tài liệu tham khảo:

1.         Dương Nghiệp Chí, Lâm Quang Thành, Phạm Ngọc Viễn, Tạ Xuân Lai (2007), Tài sản TDTT kinh doanh và quản trị, Nxb TDTT, Hà Nội.

2.         Lương Kim Chung, Dương Nghiệp Chí, Tạ Xuân Lai (2003), Kinh tế học TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội.

3.         Lương Kim Chung, Trần Hiếu, Dương Nghiệp Chí (2011), Kinh tế học TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội.