Về lịch sử của Ngày thương binh, liệt sĩ, vào tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của cả nước. Cho đến nay, đã thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vào những ngày tháng này, nhân dân ta dành mọi tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Trong các cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, hưởng ứng phong trào “Xếp bút nghiên lên đường cứu nước”, 81 cán bộ và 381 sinh viên của Học viện đã lên đường nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc; nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương, máu của mình trên chiến trường. Trong những ngày tháng linh thiêng này, hình ảnh đẹp đẽ của những Anh hùng liệt sĩ luôn được nhớ tới. Sau đây là chân dung một số Anh hùng liệt sĩ là cựu sinh viên Học viện nông nghiệp Việt Nam.

- Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh: Cựu sinh viên lớp Điện khóa 12, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Năm 1970, đang học dở năm thứ ba, như rất nhiều sinh viên yêu nước thời ấy, Lê Xuân Đĩnh tình nguyện đi bộ đội. Anh đã có những ngày chiến đấu dũng cảm trong chảo lửa của thành cổ Quảng Trị. Rồi tiến vào sâu hơn trong mặt trận Bình Trị Thiên. Buổi sáng ngày 03 tháng 9 năm 1974, Đại đội trưởng Lê Xuân ĐĨnh dẫn một tổ bốn chiến sĩ luồn sâu vào sát căn cứ của địch. Để chỉnh pháp cho đơn vị công kích, anh bị địch bao vây. Người cán bộ 26 tuổi ấy đã mở đường máu, ra lệnh cho các chiến sĩ của mình rút ra ngoài an toàn, còn mình thì trụ lại. Lê Xuân Đĩnh đã chiến đấu dũng cảm và ngã xuống chiều ấy như một người anh hùng trong trận đấu không cân sức.

Trong chiếc ba lô, kỷ vật mà Lê Xuân Đĩnh để lại, ngoài mấy tấm áo đã bạc, là một cuốn sổ nhỏ ghi những bài thơ viết trên đường ra trận. Cuốn sổ đó đã được Nhà Xuất bản Văn học biên tập và xuất bản năm 2007.

“Mở thư vội đọc say mê

Cảnh trường, cảnh lớp hiện về trong tim

Rừng xanh ríu rít tiếng chim

Bên đường nở tím hoa sim đầu mùa

Lệnh hành quân gấp truyền ra

Lại cùng đồng đội hướng ra chiến trường

Lá thư bao nỗi yêu thương

Nằm trong túi ngực theo đường ta đi…”

(Một bài thơ trong cuốn sổ

Nhật ký của liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh)

 

leftcenterrightdel
 

Cuốn Nhật ký thơ thời chiến của Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh

- Liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt: Là cựu sinh viên lớp Chăn nuôi B, khóa 15. Liệt sĩ đi nhập ngũ tháng 01 năm 1972 khi đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Liệt sĩ đã hi sinh trên chiến trường miền Nam giải phóng đất nước năm 1975.

“Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập

Ta ngỡ ngàng! Đây Thật hay Mơ?

Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc

Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa”.

(Trích Thơ của Chiến sĩ Nguyễn Khắc Nguyệt, đồng đội liệt sĩ Nguyễn Khắc Nguyệt)

leftcenterrightdel
 

Liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt cựu sinh viên Học viện lớp Chăn nuôi B, khóa 15 trên tháp pháo giải phóng miền Nam năm 1975

- Liệt sĩ Mai Văn Phóng (Mai Xuân Phóng): cựu sinh viên khóa 3 khoa Thú y, năm 1979 liệt sĩ được nhà trường (lúc bấy giờ là trường Đại học Nông nghiệp I) phân lên Cao Bằng thực tập tại Trại Trâu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại xã Chu Trinh, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Khi quân Trung Quốc xâm lược tràn sang, liệt sĩ Mai Văn Phóng đã gia nhập dân quân địa phương và Trung đoàn 346 quân đội cầm súng chiến đấu để bảo vệ non sông đất nước và đã anh dũng hy sinh vào ngày 19/2/1979.

leftcenterrightdel
 

 Liệt sĩ Mai Xuân Phóng

Ngày 03 tháng 4 năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng ghi nhận những đóng góp to lớn đối với đất nước của lớp lớp cán bộ, sinh viên, đặc biệt là của những Anh hùng liệt sĩ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 
leftcenterrightdel
 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên Cờ truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (năm 2015)

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ nói chung và các liệt sĩ là cựu cán bộ, cựu sinh viên Học viện nói riêng đối với non sông đất nước là vô cùng to lớn và đáng tự hào. Các liệt sĩ đã sẵn sàng “Xếp bút nghiên lên đường cứu nước” vì độc lập, vì tự do của đất nước không ngại máu xương, không ngại hy sinh mất mát. Các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau này luôn luôn ghi nhớ những công lao to lớn ấy, từ đó phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu để không phụ những công lao mà các thế hệ cha ông đã hy sinh chiến đấu cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam quang vinh ngày hôm nay.