Nhiều năm qua, trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được coi là một trong những cơ sở đào tạo lớn, có uy tín, có bề dày lịch sử, có truyền thống hào hùng, luôn đi đầu trong đổi mới và sáng tạo, dẫn đầu cả nước về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế. Có được kết quả đó chính là nhờ sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện tại và luôn hướng tới tương lai bằng những nỗ lực bền bỉ, không ngừng, dám nghĩ dám làm qua các thời kỳ của các thế hệ thầy và trò, đưa Học viện đi đầu trong hội nhập, từng bước xứng tầm khu vực và quốc tế.
Truyền thống hào hùng
Ngược dòng thời gian, trở về những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, ngay sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ mới trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trong giai đoạn này, Đảng và Chính phủ rất quan tâm và đã xác định nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn nói riêng là yêu cầu cấp bách. Trước tình hình đó, ngày 12 tháng 10 năm 1956 Trường Đại học Nông – Lâm (tiền thân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) được thành lập, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cao cấp cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam. Thời gian đầu mới thành lập, Học viện được xây dựng tại xã Đại Hưng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), cơ sở vật chất gần như không có gì, khóa đầu tiên, nhà trường đã tuyển sinh được 467 sinh viên. Tuy vậy chỉ sau 5 năm đầu thành lập Học viện đã từng bước trưởng thành. Ngày 24 tháng 5 năm 1959, Học viện đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tiếp bước thành công, trong những năm 1959-1960, Học viện chính thức chuyển về cơ sở mới ở Trại Bông nằm trên địa phận xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Số lượng sinh viên và quy mô đào tạo ngày một tăng, trong năm học này, Học viện đã tuyển sinh đào tạo 11 chuyên ngành của 5 khoa với 546 sinh viên. Ngoài đào tạo, Học viện còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, củng cố, xây dựng các khoa ngày càng vững mạnh.
Truyền thống những trang vàng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được khắc ghi khi bước vào những năm 1960-1975. Thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) đề ra cho cách mạng Việt Nam, Học viện đã xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ, xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng, tổ chức “dạy tốt, học tốt” nhằm đào tạo đội ngũ “cán bộ kỹ thuật cao cấp” cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức cho cán bộ, sinh viên tham gia các phong trào hợp tác hóa, thủy lợi hóa và cải tiến kỹ thuật; tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Bắc, sẵn sàng chi viện cho miền Nam trong tình hình mới của đất nước. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Học viện đã thực hiện việc chuyển hướng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thời bình sang thời chiến, từ tập trung sang phân tán hiệu quả.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, Học viện đã đào tạo được nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp thuộc các ngành trồng trọt, chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, ngư nghiệp, cơ khí, kinh tế đáp ứng cho nhu cầu cấp bách và cần thiết là phát triển sản xuất, khôi phục đất nước sau chiến tranh chống thực dân Pháp ở miền Bắc và phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Thầy và trò Học viện đã duy trì và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhằm tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc cung cấp kịp thời lương thực thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhiều giống lúa cấp quốc gia, nhiều hệ thống máy nông nghiệp được nghiên cứu thành công đưa vào sản xuất là bước tiến rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, được giáo dục tốt về truyền thống và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc nên cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên của Học viện luôn xác định cho mình tinh thần vững vàng, đoàn kết chặt chẽ, ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hưởng ứng phong trào “tiền tuyến gọi chúng tôi sẵn sàng”, hơn 1.140 cán bộ viên chức và sinh viên trong Học viện đã viết đơn tình nguyện và ký tên vào lá cờ truyền thống, xung phong tham gia phong trào “xếp bút nghiên lên đường cứu nước”. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, phong trào tình nguyện nhập ngũ diễn ra rất sôi nổi, đợt tuyển quân năm nào Học viện cũng vượt chỉ tiêu. Cùng với việc trực tiếp tham gia vào lực lượng vũ trang chiến đấu trên các chiến trường ác liệt ở miền Nam, thầy và trò Học viện còn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham gia bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ở miền Bắc.
Đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện mới, công cuộc xây dựng và phát triển Học viện cũng bước sang một giai đoạn mới, tuy nhiên nhiệm vụ chính trị quan trọng không thể thiếu là đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội, nhằm cung cấp nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ cao cho đất nước. Học viện đã tích cực đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy cho tất cả các môn học, đổi mới phương thức đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo đại học và đào tạo sau đại học, đổi mới về đánh giá kết quả học tập bảo đảm sự công bằng, công khai. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học các năm gần đây, trong khi nhiều trường đại học gặp khó khăn trong tuyển sinh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng trong tốp các trường hàng đầu về số thí sinh đăng ký dự thi, điều đó đã phản ánh uy tín, thương hiệu của Học viện đối với xã hội, đối với người học ngày càng cao.
Trải qua hơn 60 xây dựng và phát triển, với vị thế là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn cập nhật chương trình đào tạo hiện đại và hội nhập quốc tế. Phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, mở thêm nhiều ngành mới. Học viện đã có đóng góp bằng cả lý luận và thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực vào quá trình phát triển vượt bậc của sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bằng sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò, kể từ khi thành lập đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước trên 100 nghìn kỹ sư và cử nhân, hơn 10.000 thạc sĩ và trên 560 tiến sỹ. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo chiếm 65% số cán bộ KHKT và quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước. Họ đang là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trên mặt trận KHKT và quản lý kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện luôn đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học của Học viện đã thực hiện trên 100 đề tài, chương trình cấp Nhà nước, gần 300 đề tài, chương trình cấp Bộ và tương đương, hàng trăm đề tài, dự án hợp tác quốc tế. Để có được những thành tựu trên, Học viện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ. Đến nay đã có trên 100 nhà giáo được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, gần 240 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Hiện nay, Học viện có 1.368 cán bộ giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ tại 15 khoa, 19 đơn vị chức năng, 25 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty; trong đó trên 700 cán bộ giảng dạy, gần 120 nghiên cứu viên, 113 giáo sư, phó giáo sư, gần 40% cán bộ giảng dạy có học vị Tiến sỹ, trên 40% cán bộ giảng dạy có học vị Thạc sỹ, hầu hết số tiến sỹ và thạc sỹ đều được đào tạo từ các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến.
Hiện tại, Học viện xếp thứ 3 trong các trường đại học của Việt Nam, thứ 50 trong top 100 trường đại học Đông Nam Á, nằm trong top 20 tổ chức công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam. Học viện còn là trường đại học hàng đầu về kết quả kiểm định chất lượng đại học với rất nhiều đóng góp cho đất nước về đào tạo và khoa học công nghệ, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phấn đấu đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Ngày 09/11/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 6028/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ 1/500. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đáng ghi nhớ trong quá trình phát triển của Học viện.
Phát huy truyền thống anh hùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng “Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, mục tiêu phát triển Học viện theo mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa phân hiệu tiên tiến của thế giới và vận hành theo quy chế tự chủ hoàn toàn nhằm khẳng định vị trí đứng đầu trong cả nước về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tư vấn chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Học viện có 10 phòng thí nghiệm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý ISO, 4 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 01 Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp, 01 Trung tâm xuất sắc về công nghệ sinh học nông nghiệp và môi trường. Học viện thu hút được các nhà nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp, nông thôn trong nước, tăng cường số lượng các nhà nghiên cứu giỏi quốc tế đến làm việc, có chiến lược phát triển đào tạo nghiên cứu sinh và sau tiến sỹ. Tất cả hướng đến khẳng định vị thế của cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước, hướng tới phát triển thành một đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực và hội nhập với quốc tế./.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh dự được tặng thưởng:
– Nhiều lần được tặng thưởng Huân chương lao động và Huân chương độc lập hạng nhất, nhì, ba.
– Nhiều Huân chương, Huy chương của các nước bạn Lào, Campuchia…
– Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2001, 2016)
– Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005)
– Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2014)
|