Với hai hình thức dạy-học môn giáo dục thể chất (GDTC), gồm:

Giờ học chính khóa: giờ học chính khóa GDTC mang tính hành chính pháp quy, quy định đối với thầy và trò. Đó là giờ học theo chương trình có quy định thời gian và quy cách đánh giá chất lượng, được bố trí theo kế hoạch và có sự kiểm tra giám sát của Học viện.

Giờ học ngoại khoá - tự tập luyện thể dục thể thao (TDTT) ngoại khoá của SV: nhằm củng cố và hoàn thiện các bài học chính khoá và được tiến hành vào giờ tự học của học sinh, sinh viên (HS&SV) dưới sự hướng dẫn của giáo viên TDTT hay hướng dẫn viên. Luyện tập thường xuyên, liên tục ít nhất 2-3 buổi/tuần, khoảng 60 phút/buổi trở lên hoặc người khỏe mạnh trưởng thành: tập thể dục (hiếu khí) tối thiểu 150 phút/tuần với các bài tập nhẹ - vừa hoặc 75 phút/tuần với các bài tập cường độ cao hơn. Ví dụ về một số bài tập hiếu khí:

+ Đi bộ tại chỗ 30 phút, 5 lần/tuần

+ Chạy bộ tại chỗ 20-30 phút, 2-3 lần/tuần

+ Đạp xe thể dục (máy đạp xe) 35-45 phút, 3 lần/tuần

+ Nhảy dây 15-25 phút, 2-5 lần/tuần

Tác dụng của GDTC và các hình thức sử dụng TDTT có chủ đích áp dụng toàn diện, là phương tiện để hợp lý hoá chế độ hoạt động, nghỉ ngơi tích cực, giữ gìn và nâng cao năng lực hoạt động, học tập của HS&SV trong suốt thời kỳ học tập rèn luyện, cũng như đảm bảo chuẩn bị thể lực chung và chuẩn bị thể lực chuyên môn phù hợp với những điều kiện của nghề nghiệp trong tương lai.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, Hình thức dạy - học chính khóa trực tuyến được lựa chọn chủ yếu trong các nhà trường. Nhưng hiệu quả của hình thức Học – Tập này phụ thuộc rất nhiều vào việc tự giác, tự ý thức, tự rèn luyện của người học. Tác dụng của các hình thức học-tập, các bài tập thể chất lên cơ thể người tập làm thay đổi hình thái và chức năng cơ thể, nhất là chỉ số về chiều cao cân nặng.

leftcenterrightdel

Giờ học – tập trực tuyến học phần bóng rổ của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (học kỳ II năm học 2020-2021)

 

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2017-2020 của Bộ Y tế với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành phố.

Chỉ số chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990-2020 bằng chiều cao người Nhật Bản giai đoạn 1955-1995. Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.

Đối chiếu, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 168,1 cm thấp hơn so với chiều cao trung bình của nam sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt 168,35 cm. Với nữ thanh niên Việt Nam đạt 156,2 cm cao hơn so với chiều cao nữ sinh viên Học viện đạt 151,06 cm.

Về khẩu phần ăn của người dân năm 2020: Năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là: 15,8%: 20,2%: 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).

Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020); Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành;

 Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).

 Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Về tình trạng dinh dưỡng trẻ em tuổi học đường 5 - 19 tuổi: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Về Kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm

Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm có cải thiện rõ rệt: 35,8% số người trả lời có kiến thức tốt; 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém. Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78,0% số người trả lời lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị so với 44,9% năm 2010; tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về ATTP cũng tăng gấp hai lần so với điều tra năm 2010.

            Kết luận: Việc hiểu, biết, vận dụng những kiến thức tập luyện thể chất (trong giờ học chính khoá và ngoại khoá) và các kiến thức về dinh dưỡng sẽ rất ý nghĩa cho sinh viên Học viện. Học tập các bài tập thể dục, các kỹ thuật động tác là điều kiện, cùng chế độ dinh dưỡng cần thiết để con người phát triển cơ thể một cách hài hoà, bảo vệ và củng cố sức khoẻ, hình thành năng lực chung và chuyên môn để đáp ứng yêu cầu học tập và cuộc sống, chuẩn bị tốt nhất cho lao động nghề nghiệp sau khi ra trường.

Một số hình ảnh

leftcenterrightdel

Bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF kiêm quyền Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam

phát biểu tại Hội nghị 

leftcenterrightdel

Quang cảnh Lễ Công bố Kết quả điều tra dinh dưỡng 2019-2020 

Nguyễn Văn Toản – Trung tâm GDTC&TT