Hiện nay, nhiều đề tài NCKH của sinh viên, giảng viên trẻ đi sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống, điều này cho thấy năng lực NCKH của các trường đại học được nâng lên đáng kể.

Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng giúp sinh viên được nâng cao năng lực trong quá trình học tập, cọ sát thực tế, trau dồi nhiều kỹ năng mềm.

NCKH là hoạt động không thể thiếu trong quá trình đào tạo của nhiều trường đại học
NCKH là hoạt động không thể thiếu trong quá trình đào tạo của nhiều trường đại học

Bạn Trần Mai Hoa, sinh viên Đại học Bách khoa (ĐHQG thành phố Hồ Chi Minh), chia sẻ: “Khi tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ được tiếp cận với những vấn đề cụ thể, có ý thức đào sâu suy nghĩ và tập cách tư duy để tự nghiên cứu giải quyết đề tài đặt ra. Trong quá trình thực hiện đề tài sinh viên sẽ nảy sinh ra nhiều hướng giải quyết khác nhau”.

Là sinh viên năm thứ 2 nhưng Lê Thu Thảo, lớp Khoa học cây trồng tiên tiến, Khoa Nông học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã và đang được tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

“NCKH giúp em có thêm kiến thức sâu rộng, biết dùng kiến thức trên lớp để áp dụng vào thực tế. Vì là sinh viên năm 2, chưa được học nhiều môn chuyên ngành nhưng em luôn nhận được sự động viên cũng như giúp đỡ từ phía giảng viên hướng dẫn”, Thu Thảo chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính riêng năm 2020, số bài báo khoa học của các trường đại học đang chiếm 80% số bài báo khoa học của Việt Nam. Trong đó chứng kiến sự vào cuộc của các trường đại học khi giải quyết những vấn đề bức thiết từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 như sản xuất nước rửa tay khô, nghiên cứu chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân di động, Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2,…

Hoạt động NCKH cũng đã giúp cho Trần Quốc Mạnh, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất nhiều trong tiếp thu tri thức. “Việc thực hiện và bảo vệ một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ rèn giũa cho sinh viên kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tập cho sinh viên phong thái tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học. Đây cũng là trải nghiệm rất quý báu và thú vị mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có được trong quãng đời sinh viên của mình”, Mạnh chia sẻ.

Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Nhiều trường đại học xác định, NCKH là hoạt động không thể thiếu trong quá trình đào tạo. Không ít cơ sở giáo dục đại học cũng đã hình thành các nhóm nghiên cứu trọng điểm, sẵn sàng đầu tư và có cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt nhằm thu hút nhân tài.

Tạo sân chơi cho sinh viên từ phong trào nghiên cứu khoa học

Lấy phương châm “khoa học công nghệ, nâng tầm hội nhập”, từ những năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Trung tâm INOMAR), Ðại học Quốc gia (ÐHQG) thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm Trung tâm Xuất sắc.

Ðây là mô hình khoa học công nghệ mới với mục tiêu liên kết các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế triển khai các dự án chuyên ngành, đa lĩnh vực nhằm tạo ra sản phẩm KHCN tầm quốc gia và quốc tế, xây dựng đội ngũ khoa học, nhân viên trình độ cao, hình thành môi trường học thuật mở cho sinh viên và các nhà khoa học nghiên cứu.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với định hướng nâng cao chất lượng khoa học công nghệ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự phát triển nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ, giảng viên, sinh viên luôn được Học viện quan tâm và triển khai đồng bộ, toàn diện từ cấp cơ sở đến cấp Học viện.

Công tác nghiên cứu khoa học được gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín. Hiện Học viện có 52 phòng thí nghiệm (6 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, 82 mô hình khoa học công nghệ, Bệnh viện Thú y, Bênh viện Cây trồng,…) phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên.

GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Nhà trường luôn luôn chú trọng đến hoạt động sinh viên tham gia NCKH. Hiện nay, các em đều sở hữu tính sáng tạo, giàu đam mê với NCKH. Trong đó, có nhiều ý tưởng tốt, không ít đề tài có tính ứng dụng cao”.

Cho đến nay, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mang về 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Khuyến khích trong Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT – Giải thưởng EURÉKA.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn được nhà trường khuyến khích và hỗ trợ trong hoạt động NCKH
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn được nhà trường khuyến khích và hỗ trợ trong hoạt động NCKH

Cùng với sự quan tâm của Ban lãnh đạo Học viện, Đoàn thanh niên – Hội sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động đồng hành cùng sinh viên trong NCKH như: thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học; tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm dành cho giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp,... Qua đó, sinh viên được thỏa sức sáng tạo, góp phần ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Chia sẻ về những điểm nghẽn trong hoạt động NCKH của sinh viên, đồng chí Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Sau khi tiến hành nghiên cứu, các đề tài còn gặp khó trong việc đưa vào thực tiễn vì yêu cầu công nghệ và nguồn vốn”.

Nắm bắt được điều đó, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung vận động tài trợ từ phía doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho sinh viên. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên cũng sẽ đồng hành với các em trong suốt quá trình nghiên cứu.

“Hoạt động NCKH rất trông gai, nhưng khi đi sâu, ta sẽ chạm đến những con đường vinh quang, giúp nuôi dưỡng ý chí, khát vọng lớn. Đội ngũ giảng viên luôn cố gắng truyền lửa giúp sinh viên có thể thực hiện tốt những đề tài nghiên cứu”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ đô