Công tác giảng dạy Giáo dục thể chất (GDTC) hiện là một thành phần cơ bản của quá trình đào tạo và được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học, học viện và cao đẳng. Đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện cũng như đánh giá công tác hoạt động GDTC là nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện, thông qua đổi mới các phương pháp sư phạm, đồng thời tạo ra sự học tập hấp dẫn trải nghiệm và tạo ra môi trường học tập khác nhau là ưu tiên hàng đâu của hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, vai trò và vị trí của đại học giáo dục ngày càng trở nên quan trọng. Bởi giáo dục đại học góp phần tạo ra lực lượng lao động hùng hậu, có sức khỏe, có trình độ, có khả năng sáng tạo và khả năng tiếp cận, làm chủ nền khoa học hiện đại. Đây là bộ phận nòng cốt, quan trọng, là lực lượng kế tục và phát huy trí tuệ nước, nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức. Để phát huy tối đa này tiềm lực, giáo dục nói chung và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nói riêng cần được quan tâm và cải thiện. Điều này, được phản ánh trực tiếp qua kết quả học tập (KQHT) của sinh viên.

Có nhiều nghiên cứu về KQHT của sinh viên, mỗi nghiên cứu đều đưa ra định nghĩa và cách thức khác nhau để đánh giá KQHT. KQHT của sinh viên phản ánh quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên trên giảng đường đại học (Nguyễn Thị Thu An và cộng sự, 2016). Theo quan niệm này, KQHT của sinh viên được đánh giá thông qua điểm tích lũy. Tương tự, Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2017), Biện Chứng Học (2015) đều thực hiện đánh giá KQHT của sinh viên thông qua điểm trung bình chung học tập. Trong khi đó, Đinh Thị Hóa và cộng sự (2018) cho rằng KQHT là đánh giá tổng quát của chính sinh viên về kiến thức và kỹ năng họ thu nhận được trong quá trình học tập các môn học cụ thể tại trường. Đồng thời, nghiên cứu tập trung đánh giá KQHT dựa trên đánh giá của sinh viên về kiến thức và kỹ năng thu nhận được trong quá trình học tập. Cách đánh giá này cũng được đề cập tới trong nghiên cứu của Võ Thị Tâm (2010).

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến KQHT cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Nguyễn Thu An và cộng sự (2016) đã chỉ ra rằng có 2 nhóm nhân tố ảnh hưởng thuận chiều đến KQHT của sinh viên là nhân tố thuộc về bản thân sinh viên và nhân tố thuộc về năng lực giảng viên. Trong nghiên cứu của Võ Thị Tâm (2010) kết luận rằng, các yếu tố động cơ học tập, kiên định học tập, cạnh tranh học tập, ấn tượng của sinh viên với trường đại học và phương pháp học tập giải thích gần 50% sự thay đổi trong KQHT của sinh viên chính quy trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó phương pháp học tập là nhân tố tác động lớn nhất. Biện Chứng Học (2015) đã tiến hành kiểm định các yếu tố đặc điểm của sinh viên, yếu tố về phía nhà trường, yếu tố gia đình và xã hội. Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2017) cho biết nhân tố thuộc về đặc điểm của sinh viên (giới tính, sinh viên năm thứ, điểm thi đại học, ngành học, sử dụng thư viện và internet trong học tập) có ảnh hưởng đáng kể đến KQHT của sinh viên chính quy Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp. Đinh Thị Hóa và cộng sự (2018) tìm ra 8 nhân tố ảnh hưởng đến KQHT của sinh viên, gồm tương tác lớp học, phương pháp học tập, kiên định học tập, động cơ học tập, cơ sở vật chất, ấn tượng trường học, kiến thức và cách thức tổ chức môn học của giảng viên.

Những nghiên cứu trên là những nghiên cứu tiền đề để tiếp tục nghiên cứu bổ sung về mối quan hệ tác động giữa các yếu tố trên trong lĩnh vực GDTC, từ đó giúp các nhà quản lý về GDTC tại Học viện có cơ sở để có những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác GDTC của Học viện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Thông tư số 25/2015/TT-BGDĐT ngày 14-10-2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học, Hà Nội.

2. Biện Chứng Học (2015). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến KQHT của sinh viên hệ vừa làm vừa học trường Đại Học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Checchi, D., Franzoni, F., Ichino, A. and Rustichini, A. (2000). College Choice and Academic Performance. Truy cập 25/10/2022, từ hhttp://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download

4. Đinh Thị Hóa, Hoàng Thị Ngọc Điệp, Lê Thị Kim Tuyến (2018). “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến KQHT của sinh viên khoa kinh tế trường Đại học Đồng Nai”. Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai. 11, 18-29.

5. Đặng Đức Hoàn (2020). Một số yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập học phần Giáo dục thể chất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 114-tháng 9/2020

6. Nguyễn Thị Nga (2013). Các yếu tố ảnh hưởng đến KQHT của sinh viên (nghiên cứu trường hợp tại trường Đại học Phạm Văn Đồng). Luận văn thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Nguyễn Thị Thu An và cộng sự (2016). Những nhân tố ảnh hưởng kết quả học tập của sinh viên năm I – II trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 46(2016), 82-89.

ThS. Nguyễn Xuân Cừ

Nhóm NCM – Trung tâm GDTC&TT