Thực tế việc triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua tìm hiểu tài liệu tham khảo được biết, có nhiều công trình nghiên cứu đã đi sâu phân tích và đánh giá những hiệu quả đạt được của phương pháp giảng dạy này.

Trịnh Văn Biều (2012) đã đánh giá Online Learning có rất nhiều lợi ích xét ở các góc độ: người học, cơ sở đào tạo và xã hội. Cụ thể, người học sẽ phá vỡ rào cản không gian và thời gian khi họ có thể học ở mọi nơi, mọi lúc; người học chủ động trong việc học khi họ tự điều chỉnh thời gian và đăng ký học tập; người học được rèn luyện khả năng tự học; người học có thể tiếp thu kiến thức đa dạng, có cơ hội trao đổi, học tập.

Bên cạnh đó, giảng dạy trực tuyến giúp cơ sở đào tạo có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát khóa học, giảm chi phí đào tạo. Lê Hữu Nghĩa và đồng tác giả (2021) đã đánh giá cụ thể hiệu quả giảng dạy online tại Khoa Y học Cổ truyền tại trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh trên 3 phương diện: “Hiệu quả phần mềm trực truyến đang sử dụng cho hoạt động giảng dạy và học tập”, “Mức độ truyền tải và mức độ tiếp thu bài giảng thông qua phương pháp giảng dạy và học tập trực tuyến”, và “Hiệu quả chung của phương pháp giảng dạy và học tập trực tuyến” và thu được những kết quả khả quan. Giảng viên và sinh viên tham gia khảo sát đều đều đánh giá các phương diện ở mức khá, tốt trở lên. Cụ thể, chất lượng phần mềm phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến được giảng viên, sinh viên đánh giá ở mức tốt. Hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến ở mức độ truyền tải nội dung bài giảng giảng viên đánh giá là 76,7%, ở mức độ tiếp thu nội dung bài giảng sinh viên đánh giá là 80,4%. Giảng viên và sinh viên đều nhận xét rằng: hình thức dạy học trực tuyến phù hợp với các môn học lý thuyết, còn đối với các môn học thực hành thì việc dạy học Online có những khó khăn nhất định.

Đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của Steinweg, Davis và Thomson (2005) đã cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê trong những thay đổi về kiến thức, cách xử lý và hiệu suất của người học đăng ký tham gia môi trường học tập trực tuyến và truyền thống trong một khóa học giáo dục đặc biệt.

Jonassen, (1994) khi kiểm tra cách sử dụng công nghệ trong lớp học trực tuyến trong khuôn khổ kiến tạo đã nhấn mạnh vai trò của người hướng dẫn. Đặc biệt, Squires (1999) đã cho thấy tầm quan trọng của người hướng dẫn, giảng dạy và việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật, phần mềm của sinh viên trong đào tạo học tập từ xa.

Bên cạnh đó, Odin (2002) cũng đã chứng minh sự tác động qua lại giữa việc thiết kế tốt các hoạt động giảng dạy và sự hợp tác của sinh viên trong quá trình tham gia học được thể hiện thông qua chất lượng học tập. Cụ thể, nghiên cứu của Odin đã chỉ ra rằng, các hoạt động giảng dạy đa phương thức xác định sự hiện diện xã hội của giáo viên, người đóng vai trò là người hướng dẫn để thúc đẩy hoạt động học tập trực tuyến hiệu quả. Trong đó, người hướng dẫn, giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng đa dạng các phương thức giảng dạy nhằm tạo ra bối cảnh học tập hiệu quả cho sinh viên. Đồng thời, báo của Sloane Consortium trong năm 2011 về giáo dục trực tuyến cho thấy 51% cán bộ giáo dục (trưởng khoa) tin rằng hình thức hướng dẫn học tập trực tuyến có thể so sánh với trực tiếp; thậm chí có tới 14% tin rằng hình thức hướng dẫn trực tuyến có phần ưu việt hơn.

Thêm vào đó, có tới 63% tin rằng sự hài lòng của sinh viên được cảm nhận là như nhau đối với các khóa học trực tuyến và trực tiếp (Allen và Seaman 2011). Các hoạt động dạy và học đa dạng thúc đẩy mức độ tương tác phức tạp giữa người học, người dạy và nội dung của khóa học, tạo ra bối cảnh xã hội để trao đổi và chuyển đổi kiến thức.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, học tập trực tuyến được xem là phương pháp học tập hiệu quả nhằm không bị ngắt quãng việc dạy và học tập mà vẫn tuân thủ chấp hành sự cách ly của chính phủ. Chính vì vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những chiến lược, ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn hoạt động dạy và học tập trực tuyến. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi tâm lý trong bối cảnh dịch bệnh và chưa có sự chuẩn bị trước cho việc triển khai đồng bộ trong việc giảng dạy và học tập trực tuyến nên quá trình thực hiện vẫn còn gặp những rào cản, khó khăn về công cụ, phương tiện dạy và học, cũng như tâm thế học của sinh viên. Mặc dù số lượng các lớp học trực tuyến vẫn ổn định như các lớp học truyền thống, áp dụng phổ biến trong toàn Học viện, song nhiều giảng viên, sinh viên bày tỏ mối quan tâm về chất lượng dạy và học tập trực tuyến ảnh hưởng đến kết quả học của sinh viên.

Trong kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Toản cùng cộng sự, (2021) đã chỉ ra rằng, việc học trực tuyến không những không ảnh hưởng đến kết quả của sinh viên, mà kết quả các môn học giáo dục thể chất có kết quả cao hơn học trực tiếp. Kết quả học tập trực tuyến môn GDTC của sinh viên Học viện Nông nghiệp năm học 2020-2021 bước đầu tốt hơn so với năm học 2019-2020 ở các học phần như Điền kinh, Cờ vua, Khiêu vũ thể thao, Bóng chuyền, Bóng đá, Cầu lông, Thể dục Aerobic.

Tóm lại, giảng dạy trực tuyến không phải là mới đối với các nước phát triển trên thế giới, nhưng được coi là mới đối với Việt Nam, và đặc biệt là học môn học giáo dục thể chất (GDTC) trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Việc mới tiếp cận giảng dạy bước đầu đã gặp phải các khó khăn về cách thức và hình thức giảng dạy, chỉ có thông qua việc đánh giá thực trạng môn học mới có thể tìm ra được các hạn chế đó. Tổng quan thông qua tìm hiểu các nghiên cứu, qua đánh giá hiệu quả giảng dạy trực tuyến là cơ sở để có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến trong thời gian tiếp theo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Khan, B, (2005). Managing E-Learning Strategies: Design, Delivery, Implementation and Evaluation. IGI Global. https://doi.org/10.4018/978-1-59140-634-1.

2. Hye Chang, & Heeyoung Han, (2020). Teaching online: foundational concepts of online learning and practical guidelines. Korean Journal of Medical Education.

3. I.E. Allen, J. Seaman, (2020). Going the Distance: Online Education in the United States, 2011 (online). Sloane Consortium website.

4. Ali, S., Uppal, M.A., Gulliver, S.R, (2018). A conceptual framework highlighting elearning implementation barriers. Information Technology & People, 31(1), 156–180. https://doi.org/10.1108/ITP-10-2016-0246.

5. J.K. Odin, (2002). Teaching and Learning Activities in the Online Classroom: A Constructivist Perspective.

6. Lê Hữu Nghĩa và đồng tác giả, (2021). Đánh giá của giảng viên và sinh viên về chất lượng phần mềm và hiệu quả dạy – học trực tuyến mùa dịch covid-19 tại Khoa Y học Cổ truyền Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 2 (2021): 358-367.

7. Lê Văn Toán, Trương Thị Diễm, (2020). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 2 tháng 5/2020, tr 33-36.

8. Musa, M.A., Othman, M.S, (2012). Critical Success Factor in E-Learning: An Examination of Technology and Student Factors. International Journal of Advances in Engineering & Technology, 3(2), 140–148.

9. Nguyễn Quang Uẩn, (2013). Tâm lý học đại cương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 153-162.

10. Nguyễn Văn Toản và cộng sự, (2021). Thực trạng công tác giáo dục thể chất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tạp chí Đào tạo và Huấn luyện thể thao. Tr194-200.

TS. Đặng Đức Hoàn

Nhóm NCM - TT. GDTC&TT