Tổng quan về hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá

1. Khái niệm:

Hoạt động thể thao ngoại khóa trong nhà trường là hoạt động tự nguyện của học sinh, SV với các nội dung tập luyện TDTT ngoại khóa và thi đấu các môn thể thao phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe theo các hình thức cá nhân, nhóm, câu lạc bộ, nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực đáp ứng yêu cầu môn học và phát triển năng khiếu, tài năng thể thao. Hoạt động thể thao trong nhà trường có 2 nội dung cơ bản là tập luyện TDTT ngoại khóa và thi đấu thể thao [1].

Hoạt động thể thao ngoại khóa có vị trí rất quan trọng trong công tác TDTT trường học. TDTT ngoại khóa kết hợp với dạy học thể dục cấu thành một cấu trúc TDTT trường học hoàn chỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu GD[2]. Hoạt động thể thao ngoại khóa đáp ứng nhu cầu tập luyện, giải trí ngoài giờ học chính khóa của một bộ phận học sinh SV với mục đích và nhiệm vụ là góp phần phát triển năng lực thể chất một cách toàn diện, nâng cao thành tích thể thao cũng như giao lưu, giải trí của học sinh SV. Giờ học ngoại khoá nhằm củng cố và hoàn thiện các bài học chính khoá và được tiến hành vào giờ tự học của học sinh SV, hay dưới sự hướng dẫn của GV TDTT, hướng dẫn viên. Ngoài ra còn các hoạt động thể thao ngoài giờ học bao gồm:

Luyện tập trong các câu lạc bộ, các giải thi đấu trong và ngoài trường được tổ chức hàng năm, các bài tập thể dục vệ sinh chống mệt mỏi hàng ngày, cũng như giờ tự luyện tập của học sinh SV, phong trào tự tập luyện rèn luyện thân thể. Hoạt động ngoại khoá với chức năng là động viên lôi kéo nhiều người tham gia tập luyện các môn thể thao yêu thích, góp phần nâng cao sức khoẻ phục vụ học tập và sinh hoạt[3].

2. Hình thức tổ chức

Việc tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa nhằm động viên, khuyến khích học sinh tự giác tập luyện thể thao, hình thành thói quen rèn luyện thân thể thường xuyên. Tổ chức hoạt động ngoại khóa phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản: Phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường học, tránh lãng phí, hình thức. Người tham gia phải tự nguyện, tự giác, phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe. Có chương trình, kế hoạch và có thể được lồng ghép với hoạt động có ý nghĩa của nhà trường.[3]

Ngoài giờ học TDTT chính khoá, giờ học TDTT ngoại khoá cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác GDTT trong các nhà trường. Việc phát triển và hoàn thiện thể chất của người tập đòi hỏi sự tích luỹ của quá trình tập luyện lâu dài và thường xuyên. Vì vậy giờ học TDTT ngoại khoá có nhiệm vụ góp phần hoàn thiện các bài học chính khoá, được tiến hành vào giờ tự học của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên hay hướng dẫn. Ngoài ra, còn các hoạt động thể thao quần chúng ngoài giờ học bao gồm: Tham gia tập luyện trong các câu lạc bộ, các đội tuyển thể thao, tham gia, tập các bài tập thể thao chống lại mệt mỏi hàng ngày cũng như tự tập luyện của sinh viên.[4]

Theo quan điểm chung là “học” phải đi đôi với “hành”, có “tập” cần phải có “luyện”, nhất là với hoạt động TDTT thì rèn luyện là cơ bản. TDTT trường học có “tập” là các giờ GDTC chính khóa, còn “luyện” là các hoạt động ngoại khóa. Trong các giờ học GDTC, sinh viên được giảng dạy lý thuyết kỹ thuật và những kỹ năng cơ bản của TDTT. Vì vậy, hoạt động TDTT ngoại khóa nhằm củng cố và phát triển những kiến thức đã tiếp thu. Không có hoạt động TDTT ngoại khóa thì giờ học GDTC sẽ không đạt được hiệu quả cao. TDTT ngoại khóa còn có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sự sinh trưởng phát dục có hiệu quả có lợi cho tăng cường thể chất đáp ứng tính hiếu động góp phần phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, lao động, bồi dưỡng phẩm chất tư tưởng tình cảm cao thượng, tổ chức kỷ luật, tính hứng thú, năng lực giao tiếp, lối sống văn minh, năng lực TDTT của sinh viên.

Hoạt động ngoại khoá với chức năng là động viên lôi kéo nhiều người tham gia tập luyện các môn thể thao yêu thích, rèn luyện thân thể tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể vì ngày mai lập nghiệp. Hoạt động TDTT ngoại khoá mang tính tự giác chính vì vậy đòi hỏi trong giờ học chính khoá cán bộ, giáo viên thể thao phải giác ngộ tinh thần yêu thích thể thao của sinh viên, cho các em thấy vai trò tầm quan trọng của tập luyện TDTT đối với cuộc sống. Từ đó tạo ra động cơ tập luyện TDTT ngoại khoá cho đúng đắn.[5]

3. Nhận xét:

Hoạt động thể thao ngoại khóa cho SV các trường đại học có vai trò rất lớn đối với công tác GDTC nói riêng cũng như giáo dục nói chung. Hiện nay đa số các trường đại học đều thực hiện chương trình GDTC chính khóa trong 3 học kỳ với tổng khối lượng từ 90 đến 120 tiết, mỗi tuần 1 buổi, mỗi buổi từ 2 đến 3 tiết. Do vậy, nếu chỉ GDTC qua giờ học chính khóa thì hiệu quả sẽ không cao, không đáp ứng được nhu cầu vận động của SV.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính, Chính phủ (2015), “Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31/01/2015 về Quy định về Giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường”.

2. Triệu, Đồng Văn (2006), “Lý luận và phương pháp GDTC trong trường học”, Nxb TDTT Hà Nội.

3. Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), “Quy định tổ chức hoạt động thể dục, thể thao ngoại khoá cho học sinh, SV. Ban hành theo Quyết định số 72/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23/12/2008”.

4. Chí, Dương Nghiệp (2007), “Thể thao trường học ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới”, Tạp chí khoa học TDTT (1), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.52-56.

5. Thành, Nguyễn Đức (2012), “Xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa của SV một số trường Đại học ở TP HCM”, Luận án tiến sĩ Giáo dục học, Viện Khoa học TDTT, Hà Nội.

 

Đặng Đức Hoàn

Nhóm NCM-Trung tâm GDTC&TT