1. Đặc điểm, tính chất và tác dụng của môn Cờ vua
Cờ vua là một môn thể thao có đặc trưng là ít đòi hỏi cao về các tố chất thể lực, song lại có yêu cầu cao về sự bền bỉ, mưu trí, thông minh, óc sáng tạo ở người chơi. Chính vì vậy, Cờ vua phù hợp với con người và có điều kiện phát triển ở Việt Nam. Chơi cờ không đòi hỏi dụng cụ, sân bãi phức tạp như một số môn thể thao khác, tập luyện nó không đòi hỏi phải cần thiết đông người. Hình thức tập luyện phong phú, đa dạng có thể tự mình nghiên cứu tài liệu sách báo, máy đánh cờ, hoặc chơi trên máy vi tính tùy theo từng trình độ khác nhau.
Cờ vua là môn thể thao có tác dụng phát triển tư duy lôgic, luyện trí thông minh, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp như tính tổ chức kỷ luật, kiên cường bình tĩnh, luyện mưu trí, óc sáng tạo, luyện cách nhìn xa trông rộng biết phân tích, tổng hợp tình Hình một cách khách quan khoa học, rèn luyện cách làm việc có kế hoạch, tính quyết đoán và táo bạo trong xử lý tình huống.
Chơi Cờ vua, chính là góp phần xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thực hiện việc trao đổi văn hóa TDTT với các nước trên thế giới. Chơi cờ là một môn giải trí tao nhã, tạo ra cảm giác sảng khoái của sự sáng tạo và mưu trí, bởi có sự biến hóa kỳ diệu trong mỗi nước cờ, mỗi thế biến.
Cờ vua ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại. Theo các nhà nghiên cứu, thời kỳ cách mạng khoa học - kỹ thuật đòi hỏi lao động trí óc cao trong mọi lĩnh vực thì vấn đề phát triển khả năng phân tích của con người để xử lý và rút ra những điều cần thiết trong khối lượng thông tin đồ sộ và tổng quát là điều có ý nghĩa đặc biệt. Phần lớn các thế cờ xuất phát đều mang tính tình huống riêng biệt. Nghĩa là, không thể tìm ra một lời giải duy nhất tuyệt đối đúng. Do đó, người chơi luôn rơi vào tình huống thay đổi liên tục, đòi hỏi phải tập trung tư duy sáng tạo để giải quyết hợp lý như trường hợp giải các bài toán khác nhau.
Hầu hết các lãnh tụ thiên tài, các nhà bác học, các nhà văn như Lênin, Lermontov, Tolstoi, Mendeleev... đều rất thích chơi cờ. Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, các em đều ham thích chơi cờ. Và chính do tập luyện môn thể thao này, đã giúp cho các em học tập, tiếp thu kiến thức về các môn khoa học tự nhiên và xã hội tốt hơn.
2. Xu hướng phát triển môn Cờ Vua ở Việt Nam.
- Xu hướng quần chúng hoá môn Cờ Vua:
Phát triển phong trào tập luyện Cờ Vua phổ biến, sâu rộng trong cả nước, đặc biệt là trong các trường học.
Xu hướng hội nhập trình độ thế giới:
Trong những năm qua, trình độ, thành tích của các kỳ thủ Việt Nam đã không ngừng nâng cao: Lê Quang Liêm vô địch thế giới nội dung cờ chớp năm 2013 và là một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới (hạng 63 thế giới – 12/2014); Nguyễn Anh Khôi vô địch thế giới lứa tuổi 10 và 12; Hàng chục kỳ thủ được Liên đoàn Cờ Vua thế giới phong danh hiệu Đại kiện tướng ...
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Phạm Ngọc Viễn (1991), Tâm lý học TDTT, NXB TDTT Hà Nội.
2.Lưu Quang Hiệp, Phạm thị Uyên (1995), Sinh lý học TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.
3.Đàm Quốc Chính, Đặng Văn Dũng, Nguyễn Hồng Dương (2000), Giáo trình Cờ vua (Tài liệu dành cho sinh viên Đại học TDTT), NXB TDTT Hà Nội.
4.Nguyễn Thế Hãnh, Bùi Ngọc, Nguyễn Xuân Cừ, Nguyễn Văn Toản (2020), Giáo trình Cờ vua (Tài liệu dành cho sinh viên Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam), NXB Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Thế Hãnh
Nhóm NMC-Trung tâm GDTC&TT